Website cung cấp thông tin hiểu biết về các chứng chỉ tin học, chúng tôi không cấp bất kỳ loại chứng chỉ nào.

Dịch vụ kế toán:“Lộn xộn” do “lỏng” quản lý

Dịch vụ kế toán:“Lộn xộn” do “lỏng” quản lý

Kể từ khi Luật Kế toán được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 17-6-2003 và có hiệu lực thi hành từ 1-1-2004, hoạt động dịch vụ kế toán mới được điều chỉnh bằng một văn bản luật.

Tuy nhiên, Luật Kế toán có hiệu lực thi hành đã được gần 2 năm nhưng việc quản lý hoạt động dịch vụ kế toán theo quy định của pháp luật vẫn còn rất lỏng lẻo.

Khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 129/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2004 của Chính phủ "Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán áp dụng trong đăng ký kinh doanh"(NĐ 129) đã quy định: "DN dịch vụ kế toán được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật với một trong ba hình thức: Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty hợp danh và DN tư nhân.

Để thành lập Doanh Nghiệp dịch vụ kế toán phải có ít nhất hai người có chứng chỉ hành nghề kế toán, trong đó có một trong những người quản lý DN dịch vụ kế toán phải có Chứng chỉ hành nghề kế toán...".

Với quy định này, cơ quan đăng ký kinh doanh các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ngừng cấp đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán cho những DN chưa đủ điều kiện. Số lượng Chứng chỉ hành nghề kế toán trọn gói đã được Bộ Tài chính cấp trong hai năm qua chưa nhiều. Thế nhưng, số DN đang thực hiện dịch vụ kế toán trong cả nước lại không ít. Bởi lẽ, có khá nhiều DN đã đăng ký kinh doanh dịch vụ này trước khi có Luật Kế toán vẫn tiếp tục hoạt động không cần đến Chứng chỉ hành nghề!

Ngoài ra, Điều 42 NĐ129 quy định về cá nhân đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán như sau: "Cá nhân có chứng chỉ hành nghề kế toán và có các điều kiện khác theo quy định của pháp luật được phép đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và đăng ký nộp thuế như hộ kinh doanh cá thể và theo quy định của nghị định này; Cá nhân đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán trọn gói phải có văn phòng và địa chỉ giao dịch".

Tuy nhiên, quy định nêu trên đã không được tôn trọng trong thực tế. Một đội ngũ khá đông đảo đang hành nghề dịch vụ kế toán cá nhân, mục người tìm việc của nhiều tờ báo đăng rất nhiều những quảng cáo như "Nữ, tốt nghiệp đại học TCKT, có nhiều năm kinh nghiệm, nhận làm sổ sách kế toán, báo cáo thuế ngoài giờ hành chính...".

Có thể nói, trong số những người hành nghề dịch vụ kế toán cá nhân không một trường hợp nào có đăng ký kinh doanh và đăng ký nộp thuế như hộ kinh doanh cá thể và đại bộ phận chưa có Chứng chỉ hành nghề kế toán.

Sự lộn xộn trên thị trường dịch vụ kế toán như nêu trên, tất yếu dẫn đến hậu quả là chất lượng của dịch vụ kế toán không cao; đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề kế toán chưa được quản lý; quy định về quyền và trách nhiệm của người làm dịch vụ kế toán không được tôn trọng... Do đó đã xảy ra không ít trường hợp chủ DN sử dụng dịch vụ cố tình không thanh toán tiền công cho người cung ứng dịch vụ và ngược lại, một số người làm dịch vụ kế toán đã giữ lại chứng từ, không trả lại cho DN để tạo sức ép đòi tiền...

Nghiêm trọng hơn, lực lượng kinh doanh dịch vụ kế toán không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế đã cạnh tranh khốc liệt với những DN dịch vụ kế toán trên thị trường qua chiêu thức hạ giá dịch vụ. Vì vậy, những DN được thành lập và đăng ký theo đúng quy định của pháp luật khó có thể tồn tại và phát triển.

Trong điều kiện ở nước ta, các DN dịch vụ kế toán phát triển nhiều hơn về số lượng và bảo đảm chất lượng cao hơn sẽ góp phần tháo gỡ một khó khăn rất lớn cho các DNNVV hiện nay. Tuy nhiên, không thể để tình trạng văn bản luật chỉ có hiệu lực trên giấy và làm cho thị trường dịch vụ kế toán đã lộn xộn lại càng lộn xộn hơn. Việc lập lại trật tự trên thị trường này là đòi hỏi khách quan và cấp bách.

Ngoài ra, dịch vụ kế toán ở nước ta hiện nay chủ yếu được cung ứng cho các DNNVV. Đây là lực lượng khá đông đảo nhưng tiềm lực về tài chính còn yếu, chưa có thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn.

Vì vậy, để các DN dịch vụ kế toán có nguồn tài chính để bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ, có thể thâm nhập thị trường, hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa, thiết nghĩ, nhà nước cần giành cho các DN dịch vụ kế toán một số ưu đãi nhất định như chuyển từ thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% sang thuế suất 5%, cho phép miễn, giảm thuế thu nhập DN trong những năm đầu thành lập doanh nghiệp.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Tags: Dich vu ke toan, ke toan tron goi

 

Copyright © 2009 All rights reserved. Designed by Chung chi tin hoc